Trong những đời xe Vespa cổ thì có lẽ
những đời thập niên 50 của chủng loại xe Vespa A.C.M.A. là có ý nghĩa đặc biệt
với giới chơi xe cổ ở Việt nam vì những chiếc xe này có giá trị lịch sử trên
vai trò những chiếc Vespa đầu tiên đặt chân lên đất Việt. Những chiếc xe động
cơ Widemount đã được sản xuất tại Ý, Tây ban nha, Anh Và Đức nhưng xe A.C.M.A.
vẫn có tính cách đặc biệt với người Việt và đó cũng là lý do tại sao dân chơi
xe cổ Việt nam lại đặt chết tên xe "mổ bụng" là A.C.M.A. Vì lý do đó
mà tớ xin mạn phép nói kỹ càng hơn về chiếc xe rất dễ thương này.
Sự kiện lần đầu tiên xe Vespa ra mắt công chúng trên đất Pháp xảy ra vào tháng 10 năm 1947 tại Salon de Paris. Khách tới Salon bàng hoàng trước vẻ đẹp của cỗ máy đặc trưng Italia kiêu hãnh nghiêng mình trên bục khán đài Geoges Monneret. Cuộc đổ bộ của xe Vespa nhập cảng vào đất Pháp bắt đầu diễn ra rầm rộ vào mùa xuân năm 1950 và ngay lập tức được giới tiêu dùng hồ hởi đón nhận; trong vòng 9 tháng đầu tiên, một ngàn hai trăm chiếc Vespa đã được tiêu thụ trên thị trường Pháp.
Vào tháng 9 năm 1950, hãng A.C.M.A. ( Ateliers de Constructions de Motocycles et Accessories ), đại bản doanh đặt tại Paris, thu mua một nhà máy tại Fourchambault, và thâu tóm luôn lực lượng nhân công sẵn có là 300 người để thiết lập cơ xưởng lắp ráp xe Vespa 125 cho thị trường Pháp với các chi tiết xe nhập cảng từ Ý. Những chiếc Vespa ACMA hoàn toàn giống với những "bà con" người Ý, chỉ khác có đèn lái tròn được vít vào tay lái để phù hợp với luật lệ của Pháp và đèn đuôi đặc biệt. Đèn lái màu có choá dèn vàng để so sánh với đèn trắng của tất cả các chủng loại xe Widemount khác.
Hình ảnh một trong những chiếc ACMA đầu tiên, năm 1951.
Đèn đuôi của ACMA năm 1951-1952, đèn này khác với xe Widemount của Ý ở chỗ nó mỏng hơn và có khía như trái bắp.
Sự mến mộ của công chúng đối với xe Vespa ACMA trên đất Pháp càng ngày càng tăng rộng. Cho đến tháng giêng năm 1952 ACMA đã tổ chức chào mừng sự hoàn tất của chiếc Vespa Pháp thứ 10.000. Số lượng nhân công đã tăng gấp đôi lên con số 600 và có thể cho xuất xưởng 80 chiếc xe mỗi ngày. Tới tháng bảy, số lượng nhân công là 900 và lượng xe ra đời mỗi ngày là 140 chiếc. Xe ACMA đến tay người tiêu dùng thông qua một mạng lưới của 150 nhà phân phối đến khắp mọi miền nước Pháp, với 500 xưởng bảo hành. Năm 1953 đánh dấu năm xe Vespa A.C.M.A. đúc đèn lái với đồng hồ công tơ nét chung với nhau ( Trước đó đèn lái tròn giống như đèn của xe Douglas được vít vào Ghi đông và công tơ nét cũng được gắn vào giữa) đồng thời có một số thay đổi về phía ngoài mà đặc trưng là đèn đuôi hình thang với vòng tròn ở giữa. Những chiếc xe 150GL cũng tham gia vào thị trương sánh vai với những chiếc 125 kinh điển vào năm 1956. Những chiếc ACMA 150 mới này về kiểu dáng vẫn dựa trên mẫu mã cũ nhưng gia tăng thêm những tính năng và bộ phận mới như bộ chế hòa khí Zenith, và ngăn đồ có khóa cùng với bánh xe bờ trắng.
Logo xe Vespa A.C.M.A.
Năm 1958 là một năm đáng buồn cho xe Vespa ACMA nói riêng và thị trường scooter nói chung trên đất Pháp. Cuộc khủng hoảng kênh đào Suez vào năm trước đó đã dẫn đến sự hạn chế của xăng dầu và hai lần gia tăng thuế má. Những luật mới liên quan đến bằng lái và phương thức sử dụng đường phố được giới thiệu gây thêm những khó khăn khác. Những "kẻ chiến thắng" duy nhất trong thị trường Scooter Pháp giai đoạn này là những chiế xe máy dưới 50 phân khối ( Lúc này vẫn chưa được Piaggio sản xuất ). Sức tiêu thụ xe Vespa giảm đáng kể để rồi dây chuyền sản xuất chậm lại, thời huy hoàng của Vespa ACMA đang chìm dần vào quên lãng với giờ lao động tại nhà máy giảm xuống còn 32 tiếng một tuần...và đến tháng 8 cùng năm, ACMA đình chỉ sản xuất xe Vespa.
Bảng phía trong bửng ghi rõ năm xuất xưởng, đời xe và số sườn
Đèn đuôi đặc biệt từ đời xe Vespa Acma 1953 trở đi, đây là điểm đặc trưng nhất của xe Acma, tuy nhiên đèn đuôi này rất khó giữ gìn đến ngày nay do dễ vỡ.
Trong năm 1958, ACMA đã giới thiệu lượt xe Vespa 125 và 150 mới với sườn hẹp hơn, đến năm 1959 thì cho xe 150 GS hội nhập vào thị trường nhưng chỉ là xe xuất khẩu từ Ý do ACMA phân phối. Thị trường ảm đạm báo hiệu ngày tàn của một chủng loại xe quan trọng. Năm 1962, nhà máy ở Fourchambault đóng cửa vĩnh viễn và kể từ đó tất cả xe Vespa được nhập cảng vào đất Pháp thông qua Vespa France. Những chiếc xe nhập lại bán chạy hơn do sự hội nhập của Vespa Mini 50 phân khối vốn thoát lọt qua mạng lưới luật lệ dày đặc của giao thông nước này.
Có một chiếc ACMA đặc biệt khác đó là ACMA quân đội hay là Vespa ACMA Militaire. Nói chung thì chiếc xe này có đầy đủ những đặc điểm nhận dạng với bà con 150 nội địa nhưng khác ở chỗ là Piston lớn hơn và sườn chắc chắn hơn để có thể tải nặng đồng thời có thể chịu được va chạm mạnh khi được thả xuống trận địa bằng dù. Những chiếc ACMA này được ca ngợi do khả năng tải được tới 250 ký lô trên đường xấu nhất. Một số tin cho rằng ACMA Militaire có được sử dụng tại Việt nam là sai vì xe này chỉ được cho xuất xưởng hai đời: TAP56 và TAP59, sau khi người Pháp đã rút khỏi Việt nam. Có điều ACMA Militaire đã được thả xuống chiến trường Algerie và sử dụng khá thành công.
Hình ảnh Vespa ra trận:
(Nguồn Internet)