XE CỔ

Huyền thoại Mobylette

Những dòng xe gắn máy mạnh mẽ, hiện đại liên tiếp ra đời trong những thập niên gần đây đã đẩy xe Mobylette gần như trở thành huyền thoại. Tuy nhiên, Mobylette không hẳn đã bị xóa sổ, chúng vẫn còn rất hút những người đam mê xe cổ tìm đến như một thú chơi tao nhã. 
Vang bóng một thời
 Trong dòng người ngược xuôi, giữa những con phố chật chội với đủ loại phương tiện qua lại, chiếc Mobylette nổi danh một thời đến từ nước Pháp với dáng vẻ mềm mại và tiếng máy “bành bạch” là không thể trộn lẫn.
Khởi đầu từ dự án được đặt tên Velosolex Craze của công ty Motobecane (Pháp), những người sáng lập đã quyết định thực hiện ước mơ của mình là “tạo ra một chiếc xe đạp với một chút nét đẹp vĩnh viễn”. Việc xây dựng các mẫu thử nghiệm vào năm 1949 dựa trên các thành phần hiện có của một chiếc xe đạp sản xuất năm 1938. Từ kiểu thiết kế ấy, Mobylette được hình thành là một model xe máy có bàn đạp và động cơ chạy xăng. Motobecane bắt nguồn từ "moto" - một từ thông dụng viết tắt của xe máy và "becane" - một từ tiếng lóng của xe đạp. Và kể từ khi chiếc Mobylette đầu tiên được sản xuất vào năm 1949, những chiếc “xe máy có bàn đạp” này đã dần được phổ biến rộng rãi và được nhiều người biết đến trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, xe Mobylette du nhập vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, chủ yếu vào miền Nam và gắn liền với đời sống người dân thành thị thời kỳ trước năm 1975. Tính mảnh mai, nhẹ nhàng cùng với sức hút của một loại xe hai bánh có động cơ thời thượng thời kì đó nên nó được những người trẻ rất ưa chuộng. Gần đây, sau một thời gian Mobylette gần như đi vào huyền thoại, những người thích xe cổ lại có một thú chơi mới: sưu tầm Mobylette. Những chiếc Mobylette lại được người chơi xe cổ săn lùng với niềm đam mê rất lớn. Họ bỏ ra rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để phục chế nhiều chi tiết, thậm chí chi nhiều tiền săn lùng phụ tùng từ nước ngoài hoặc từ những người sưu tập xe cổ mua đi bán lại. 

Lịch sử Mobylette
Ở nước ta hiện có nhiều hội, nhóm Mobylette - nơi tập trung những người có chung niềm đam mê với chiếc xe có động cơ nhỏ nhắn này - hoạt động rất sôi nổi. Nhiều người chơi đã dốc tâm huyết sưu tầm từng chi tiết nhỏ trên xe để phục chế cho chiếc xe của mình đảm bảo được tính nguyên bản và độc đáo nhất.
Từ năm 1949 đến lúc phá sản - năm 1981, Motobecane đã sản xuất 14 triệu chiếc Mobylette và tung ra thị trường trên toàn thế giới. Việt Nam cũng nhập về khá nhiều, nhưng xe Mobylette ở nước ta ngày nay hầu như chỉ còn... khung, bình xăng và lốc máy, may mắn lắm mới còn có chiếc nguyên bản hoàn toàn. So với Vespa, Lambretta... thì Mobylette thua về độ mềm mại nhưng xét về hàng cổ cũng như tính thời trang thì nó không thua kém! Thế nên, từ anh sinh viên, ca sĩ, ông giám đốc hoặc những cô gái hiện đại vẫn thích sưu tầm và dắt Mobylette phóng “bạch bạch” ngoài đường với... toàn khói và khói như một thú vui sau những giờ miệt mài lao động.

Khi những dòng xe gắn máy mạnh mẽ, hiện đại của các hãng khác liên tiếp ra đời trong những thập niên gần đây đã đẩy doanh số bán hàng của Mobylette giảm mạnh đáng kể. Các động cơ của những chiếc xe này không đạt tiêu chuẩn khí thải, không được chấp nhận theo pháp luật chống ô nhiễm mới của EU. Và hầu hết mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên, đã thay đổi sở thích về xe gắn máy của họ. Năm 1981, Motobecane ngừng sản xuất Mobylette và đã đệ đơn xin phá sản. Sau đó, nó được bán cho Yamaha Motor - một nhà sản xuất xe gắn máy nổi tiếng của Nhật Bản. Yamaha cải cách hệ thống, tổ chức lại công ty Motobecane vào năm 1984 và đặt tên mới là MBK, nhưng rồi việc sản xuất Mobylette vẫn không tiến triển và dự án này dường như đang bị lãng quên.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Xe đạp cổ hàng hiệu Velo Solex S3300

Solex là một hãng xe đã có 105 tuổi đời. Ra đời từ Paris, những sản phẩm của Solex luôn mang vẻ đẹp thiết kế rất đặc trưng của nước Pháp mà những hãng xe nước ngoài không có được.

Chiếc xe này có tên gọi đầy đủ là Vélosolex, được trang bị động cơ 49cc nhỏ gắn trên bánh xe trước. Năng lượng phát động được phân phối thông qua một con lăn bằng ceramic quay tạo ma sát với lốp xe.

Thử lật lại lịch sử, những chiếc Vélosolex đầu tiên từ năm 1941, sử dụng khung xe đạp và dung tích động cơ là 45cc. Từ năm 1941 nó mới được thương mại hóa. Từ năm 1953-1959, dung tích động cơ tăng lên 49cc nhưng không có ly hợp. Các xe chế tạo sau đó cho đến năm 1988 đều có ly hợp và động cơ 49cc.

Chiếc Solex trong bài viết này thuộc dòng S3300, thời gian sản xuất trong giai đoạn 1964-1966.

Giống như những chiếc xe thuộc dòng moped khác, Solex cũng trang bị bàn đạp như Peugeot hay Mobylette. Có thể nói nếu tháo bỏ cụm động cơ, Solex sẽ giống 100% xe đạp!

Có thể nhận ra chiếc xe này bởi dòng chữ Solex trắng rất nổi bật trên 2 bên động cơ, cũng như trên khung. Con số S3300 trên lốc máy cho biết khoảng thời gian nó ra đời là năm 1964-1966 (những xe Solex sản xuất trong giai đoạn này thuộc dòng S3300).

Dù ra đời từ gần 50 năm trước, nhưng chiếc xe vẫn có thể lướt phố ở Hà Nội. Nhìn tổng thể, chiếc Solex này vẫn còn khá mới, với nước sơn màu cam cũng như các phụ tùng chưa bị thay thế nhiều.

Một điểm có thể khiến nhiều người hơi khó chịu với xe Solex là ở cách bố trí ống xả phía trước, ngay cạnh động cơ chứ không đặt dưới gầm như Peugeot hoặc Mobylette. Do khi chạy xe tạo ra khá nhiều khói nên nếu gặp gió thì người lái sẽ “lãnh đủ”. Nhưng đặc điểm này cũng không quá quan trọng, nhất là đối với những người đã “trót” mê Solex.

Vận tốc của Solex không cao lắm, và có lẽ nó được chế tạo dành cho những người thích sự thong dong, nhàn nhã. Do không có hộp số cũng như tay ga nên khi ngồi lên xe bạn sẽ không cần suy nghĩ đến việc tăng hay giảm tốc, xe sẽ chạy đều đều một cách khá từ tốn. Cũng chính vì đặc điểm này nên hầu hết người chơi Solex cũng như nhiều loại xe cổ khác đều ở độ tuổi trung niên hoặc cao niên. Giới trẻ với cuộc sống bận rộn có lẽ không mặn mà lắm, hoặc không đủ kiên nhẫn với thú chơi này.

Trong thập niên 1960, ở Sài Gòn có rất nhiều Solex, và phần lớn người sử dụng nó lại là các nữ sinh. Hình ảnh tà áo dài cùng với chiếc xe Solex đen bóng đã tạo ấn tượng không thể nào quên với nhiều người.

Solex cũng là biểu hiện của sự sang trọng vì nữ sinh có xe solex thường thuộc con nhà khá giả. Nói chung, Solex là sự duyên dáng, phô trương kín đáo của người phụ nữ Việt Nam với chiếc áo dài mà vạt sau được gài trên yên xe, không che kín được toàn vẹn. 

Thật gợi cảm khi hai chân cô nữ sinh khép nép đặt trên chỗ để chân nằm chính giữa thân xe Solex. Dáng ngồi thẳng lưng, hai cánh tay duỗi dài đến tận guidon và phía sau là vạt áo dài tung bay theo gió. Ngoài giới nữ sinh trung học, hình như các giới nữ khác ít dùng đến loại xe gắn máy này. Có điều lạ, cũng là xe gắn máy, nhưng nhìn một cô gái ngồi trên chiếc Solex thấy rõ sự khác biệt với cô gái ngồi trên chiếc Mobylette. Hình như có đôi nét thanh tao, duyên dáng ở Solex mà ở Mobylette thì dứt khoát không có. Cũng vì lý do đó mà Sài Gòn thời ấy phụ nữ ít đi xe Mobylette.

Con người ngày nay chạy theo những trao lưu mới, hiện đại nhưng cũng là nhất thời, bởi mọi thứ thay đổi quá nhanh. Có những lúc nhìn lại, người ta mới thấy Solex mang một vẻ đẹp lạ lùng, bởi nó như một nhân chứng sống động của thời gian, và hơn cả là những hoài niệm cũ. Chính bởi vậy, giá Solex ngày nay cũng cao hơn nhiều loại xe cổ khác kể cả Vespa hay Mobylette.

So với Peugeot thì Solex thuộc loại hiếm hơn nhiều, và việc sửa chữa nó cũng khó khăn hơn do rất ít phụ tùng thay thế. Giá cả của nó cũng đắt hơn, dù xét về cấu tạo thì khá đơn giản. Chiếc mà anh đang sở hữu có giá khoảng vài nghìn đô.

Với số tiền như trên hoàn toàn có thể mua được một chiếc xe phân khối lớn gấp 3 lần Solex, nhưng không có nghĩa giá trị của nó có thể vượt mặt xe cổ. Giới trẻ hay có câu nói vui rằng: “Phong độ là nhất thời nhưng đẳng cấp là mãi mãi”. Và Solex chính là một trong những dòng xe đã đạt được đẳng cấp xứng đáng với tên tuổi của mình.